Cô giáo Thân Thị Liên bật mí 4 bí kíp cực hay ôn luyện môn Hoá giai đoạn nước rút
Giai đoạn cuối ôn luyện như thế nào
Theo chia sẻ cô Liên, có 4 yếu tố quyết định đến kết quả điểm môn hóa THPTQG:
- Chắc lý thuyết
- Chắc các dạng bài tập cơ bản và rèn luyện nhiều đối với các câu mức độ vận dụng, vận dụng cao
- Thực hành giải các đề theo cấu trúc đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Giữ gìn sức khỏe, ăn – ngủ - thể thao hợp lý nhẹ nhàng.
Chỉ còn hơn 40 ngày nữa là các em học sinh bước vào kì thi THPT QG – kì thi quan trọng cuối cùng của thời học sinh.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều thí sinh chưa biết học và ôn thi môn hóa như thế nào cho hiệu quả
Các kinh nghiệm dưới đây được đúc kết từ quá trình dạy học và của nhiều học sinh lớp cô Liên đã đạt kết quả cao trong các kì thi trước đây, sẽ giúp ích cho các thí sinh có được cách ôn thi hiệu quả trong thời gian tới!
Lưu ý 1: Ôn thật chắc lý thuyết
Lý thuyết môn hóa chiếm tầm 6-7đ trong đề thi THPT QG. Vì vậy các thí sinh cần học thật chắc lý thuyết bao gồm lý thuyết cơ bản, lý thuyết phát biểu đúng sai, lý thuyết thí nghiệm…
Note lại những lý thuyết khó, hay sai, các mẹo nhớ lý thuyết… vào cuốn sổ tay học tập để đến lúc gần thi các em lấy ra ôn lại cho tiện
Theo chia sẻ của cô giáo, những học sinh tham gia lớp học online do cô mở cần ôn theo các buổi đã ôn trong lớp Về Đích, kết hợp đọc thêm sách giáo khoa.
Sau đó là rèn luyện và giải các đề lý thuyết để củng cố kiến thức cũng như tập phản xạ làm nhanh và không sai nhảm các câu dễ.
Bạn nào hay quên thì nhớ ôn đi ôn lại, đọc đi đọc lại lý thuyết các chương để khắc sâu kiến thức hơn. Có thể tranh thủ các giờ giải lao trên trường để lôi bài ra ôn, chỉ cần 5-10 phút mỗi ngày là đủ để ôn tập tốt.
Lưu ý 2: Ôn chắc các dạng bài tập hay gặp trong đề thi THPT QG các năm trước và đề minh họa mới nhất
Trước tiên các em phải ôn tập và nắm chắc phương pháp giải các dạng bài tập cơ bản trước.
Ghi chép và note lại các công thức giải bài tập, các công thức tính nhanh.. vào sổ tay để chỉ cần quên thì có cái để lôi ra ôn ngay.
Sau đó rèn luyện các dạng toán mức độ VD VDC 8-9-10 điểm hay xuất hiện trong đề thi của BGD các năm gần đây và cả trong đề minh họa.
Một lưu ý mà cô giáo đúc kết được: thí sinh chỉ rèn các dạng bài tập nằm trong mục tiêu điểm của mình. Tránh mất thời gian lăn tăn ôn tập ở những câu quá khó so với năng lực bản thân.
Vẫn còn nội dung phía dưới, bạn hãy ấn nút để xem tiếp nhé...
Ngoài việc nắm chắc phương pháp giải của từng dạng toán thì một trong những cách hiệu quả nhất để nắm chắc và giải tốt, giải nhanh được bài tập đó là: rèn luyện nhiều, nghĩa là nên giải đi giải lại những câu đã học, ngâm cứu và hiểu sâu sắc các vấn đề của bài tập đó để tăng độ nhạy, tăng tốc độ xử lí và phát triển tư duy giải toán của bản thân.
Tuy nhiên thời gian không còn nhiều các thí sinh đừng quá chú tâm vào các dạng quá lạ hoặc quá khó, mà hãy rèn chắc những dạng đã học!
Lưu ý 3: Thực hành giải đề
Đi đôi với việc ôn tập thì thực hành giải đề rất quan trọng, nó giúp làm quen với cấu trúc đề, làm quen và có sự phân bổ thời gian làm bài hợp lí trong 50 phút quy định.
Thí sinh có thể sưu tầm đề thi thử của các Sở trên cả nước, các cuốn sách bộ đề chất lượng từ các thầy cô có kinh nghiệm, các đề phát triển theo cấu trúc đề minh họa để rèn luyện
Trong quá trình giải đề thấy bản thân còn yếu ở đâu thì quay lại ôn phần đó ngay. Đồng thời rèn luyện tốc độ, sự cẩn thận và độ chính xác trong mỗi lần giải đề, tạo và rèn luyên thói quen này đến lúc thi.
Không cần giải quá nhiều đề. Không cần đặt nặng số lượng bản thân phải giải được 100 - 200 đề mà hãy đưa ra mục tiêu giải đề nào chắc đề đó, học được cái hay của mỗi đề, đúc kết được kinh nghiệm cho bản thân.
Lưu ý 4: Giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất
Học 3 năm đến hôm đi thi ốm, không phát huy hết công lực thì buồn. Nhất là trời nắng nóng như thế này rất dễ ốm nên các thí sinh cần phải giữ sức khỏe.
Cô giáo nhắc thêm, có một đặc điểm là đừng sướng quá đến lúc đi thi lại không chịu được khổ. Ví dụ là ở nhà nóng quá thì xài điều hòa, làm bài thoải mái tập luyện giải đề, tuy nhiên khi vào phòng thi, lỡ không có điều hòa, tâm lý lại căng thẳng, nóng bực, lo âu, thế nên hãy tập cho mình sự khổ luyện. Thêm nữa, rất quan trọng đó là ngủ - thức - học đúng giờ tùy theo thực trạng và cơ địa của bản thân.
Nếu hay thức khuya học bài các thí sinh nhớ chuẩn bị đồ ăn nhẹ như bánh ngọt, sữa… để nạp năng lượng và đừng thức quá khuya.
Học ngay từ bây giờ và đừng có khái niệm đến ngày gần thi mới lôi bài ra học sáng đêm. 1 tuần trước khi thi là phải ăn – ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái trước khi thi.